Tỷ lệ người trẻ bị cận thị lựa chọn mổ mắt ngày càng nhiều vì các lợi ích như nhìn rõ hơn, tăng tính thẩm mỹ, không cần đeo kính hàng ngày.
Người trẻ bị tật khúc xạ lựa chọn mổ mắt ngày càng nhiều. Ảnh minh họa: Chí Hùng.
Bị cận thị nặng từ những năm đầu tiểu học, Phạm Quang, 27 tuổi, ngụ Đà Nẵng lớn lên với chiếc kính dày. Cận thị đến 11 độ, Quang gần như không thấy gì nếu không mang kính. Lo lắng mắt sẽ cận nặng hơn, gia đình đã thúc ép Quang đi mổ cận.
"Tôi sợ máu, sợ mổ xẻ nên không đủ can đảm cho ca phẫu thuật ở mắt, đành chấp nhận mang kính. Nhưng mỗi lần nhìn vào gương, thấy mắt vừa lồi, vừa lờ đờ nên tôi quyết định mổ mắt", Quang nói.
Từ Đà Nẵng, Quang vào TP.HCM thăm khám để mổ cận bằng phương pháp Smile, chi phí dự kiến là 80 triệu đồng. Tuy nhiên, bác sĩ yêu cầu theo dõi mắt của Quang trong vòng một năm mới có thể mổ vì độ cận quá cao.
Chịu chi để từ bỏ kính cận
Tại Hội thảo khoa học về ứng dụng laser do Liên Chi hội laser y học và laser ngoại khoa TP.HCM tổ chức, bác sĩ chuyên khoa II Trương Công Minh, Giám đốc Bệnh viện Mắt Sài Gòn II, thành viên Liên chi hội nhãn khoa TP.HCM, cho biết bệnh nhân là người trẻ đến khám nhiều nhất do cận thị và loạn thị.
"Người trẻ hiện nay có xu hướng đến các bệnh viện mắt để xoá cận, họ chủ động tìm hiểu các phương pháp và khám nhãn cầu để xác định khả năng phẫu thuật", bác sĩ Minh chia sẻ.
Lý giải về nguyên nhân người trẻ có xu hướng mổ mắt ngày càng nhiều, bác sĩ Minh cho hay đeo kính cận có những hạn chế như tầm nhìn ngoại biên bị méo mó, hiệu ứng bị phóng đại, kính có độ càng cao thì tầm nhìn ngoại biên ảnh hưởng càng nhiều. Chính sự bất tiện của việc mang kính khiến người trẻ lựa chọn mổ mắt.
Bên cạnh đó, nhiều người mổ mắt do yêu cầu của nghề nghiệp như tiếp viên hàng không, công an hoặc nghề phải hoạt động nhiều. Thêm nữa, người trẻ muốn mổ mắt để tăng tính thẩm mỹ, họ nhận thấy khuôn mặt không hợp để đeo kính hay mắt bị lờ đờ khi đeo kính.