Rách giác mạc: Nguyên nhân và cách điều trị
Rách giác mạc nếu không chữa trị kịp thời có thể là nguyên nhân gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến thị lực và sức khỏe đôi mắt.
Rách giác mạc là bệnh có thể dẫn đến viêm loét giác mạc, thậm chí mù lòa nếu để nhiễm trùng do không được sơ cứu, chữa trị kịp thời.
Rách giác mạc là gì?
Giác mạc là một bộ phận trong suốt ngoài cùng của mắt có nhiệm vụ bảo vệ các thành phần bên trong của nhãn cầu, cùng với thủy tinh thể và đồng tử hội tụ ánh sáng giúp mắt nhìn thấy được các vật.
Giác mạc mỏng và nằm ngoài cùng nên rất dễ bị tổn thương. Rách giác mạc hay còn gọi là trầy xước biểu mô giác mô, do dị vật làm tổn thương lớp giác mạc của mắt khiến thị lực bị giảm sút, đau nhức khó chịu. Dị vật ở đây rất đa dạng có thể là những vật có kích thước nhỏ như bụi, cát, đến những vật lớn hơn như thủy tinh, côn trùng,… Giác mạc có thể bị tổn thương ở mọi lứa tuổi, trong tất cả các hoạt động hằng ngày như vận động ngoài trời, chơi thể thao hay lúc làm việc.
Rách giác mạc nếu không được xử trí và điều trị đúng cách có thể gây các bệnh về mắt khác như loét giác mạc, sẹo giác mạc và giảm thị lực vĩnh viễn.
Những nguyên nhân thường gặp dẫn đến rách giác mạc
Rách giác mạc hầu hết được gây ra do dị vật bám vào và gây nên các vết trầy xước. Người bệnh có thể bị rách giác mạc do:
– Móng tay, bút hay cọ trang điểm, tập giấy quẹt vào mắt
– Dụi mắt quá mạnh.
– Dính phải bụi bẩn, cát, mùn cưa, tro hoặc một số vật lạ vào mắt
– Hóa chất hoặc các chất tẩy rửa trong sinh hoạt hàng ngày bay vào mắt
– Mang kính áp tròng trong một thời gian lâu hoặc kính áp tròng bẩn.
– Không mang kính bảo hộ khi tham gia thể thao hoặc các hoạt động có nguy cơ cao.
– Tiếp xúc nhiều với khói thuốc lá.
Triệu chứng rách giác mạc
Khi dị vật bám vào giác mạc, người bệnh thường cảm thấy cộm bên trong mắt, khó mở mắt. Mắt sung huyết trở nên đỏ và đau, nhạy cảm với ánh sáng, nhìn mờ tạm thời.
Khi dị vật đã gây rách giác mạc, người bệnh phải đối mặt với những triệu chứng nặng nề hơn như: đỏ mắt nhiều hơn kèm chảy nước mắt, đau rát ở mắt.
Điều trị khi bị rách giác mạc
Chấn thương rách giác mạc là một trong những tổn thương nặng của mắt. Do đó việc xử lý khâu giác mạc và điều trị sau đó đòi hỏi phải hết sức tích cực, chặt chẽ, kỹ lưỡng. Việc xử trí rách giác mạc nếu không tốt sẽ dẫn đến hậu quả xấu mà cụ thể là thị lực có thể mất hoàn toàn. Sự hồi phục của mắt có thể phụ thuộc vào vị trí vết rách, mức độ, nguyên nhân vết rách… Tất cả các yếu tố trên làm cho việc nhận định vết thương rách giác mạc trở nên khó khăn.
Nếu mắt của bệnh nhân vẫn còn bị đỏ dù vết rách giác mạc đã lành có thể do nguyên nhân tổn thương viêm giác mạc mắt vẫn còn. Ngoài ra còn vì rách giác mạc thường kèm theo nhiều tổn thương nội nhãn khác nên gây đỏ mắt.
Đối với chấn thương đụng dập gây ra các tổn thương cho mắt và các bộ phận quanh mắt như tụ máu, bầm mi mắt, hốc mắt, chảy máu trong mắt (xuất huyết kết mạc, xuất huyết tiền phòng, pha lê thể, võng mạc…); tổn thương các tổ chức của mắt như thể thủy tinh, võng mạc, thần kinh thị… cần xử trí đúng bằng cách sử dụng băng che mắt lại rồi đến cơ sở chuyên khoa mắt gần nhất để được khám và điều trị.
Trong trường hợp chấn thương xuyên thủng, đây có thể được xem là nguyên nhân gây ra rách giác mạc và chảy máu nhiều. Vì vậy điều đầu tiên cần phải cầm máu ngay, có thể sử dụng kháng sinh nhỏ mắt thông dụng như chloramphenicol. Tra pomade kháng sinh và băng mắt lại, sau đó đến ngay cơ sở chuyên khoa mắt để được khâu và điều trị vết thương do rách giác mạc.
Thường thì vết rách giác mạc sau khi khâu sẽ lành sau khoảng một tháng. Tuy nhiên, giác mạc sau đó có thể ổn định lành sẹo nhưng cũng có thể viêm giác mạc mắt tái phát hoặc tiến tới loạn dưỡng giác mạc làm thị lực giảm trầm trọng. Do đó bệnh nhân cần phải tiếp tục theo dõi điều trị để kịp thời xử lý những biến chứng có thể xảy ra.
Phòng ngừa rách giác mạc
Rách giác mạc hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng thái độ và cách sơ cứu đúng khi bị dị vật bay vào mắt. Khi cảm nhận có vật lạ bay vào mắt, người bệnh thường có xu hướng đưa tay dụi mắt. Tuy nhiên, việc làm này không những không lấy được dị vật mà còn làm rách giác mạc. Thay vào đó, cần thực hiện các cách sau để bảo vệ giác mạc:
– Nhấp nháy mắt nhiều lần trong nước sạch để các bụi bẩn trôi ra ngoài.
– Kéo mi mắt trên xuống dưới để lông mi của mi mắt dưới có thể chải đi các dị vật.
– Rửa mắt bằng nước muối sinh lý hoăc nước sạch giúp rửa trôi dị vật ra ngoài.
– Nếu dị vật vẫn còn trong mắt, tuyệt đối không cố gắng gắp dị vật ra mà hãy đến các cơ sở y tế để được các bác sĩ chuyên khoa mắt xử trí.
Nếu sau khi sơ cứu mắt đã đỡ cộm, đỡ đau thì tra ngay thuốc mỡ dành cho mắt sau đó băng kín mắt lại. Mục đích của việc dùng kháng sinh mỡ để làm liền vết xước giác mạc, thuốc không bị trôi đi. Nếu bị xước nhẹ, chỉ cần băng mắt một đêm, sáng hôm sau mắt đã dễ chịu hơn.
Tuy nhiên nếu tra thuốc mỡ, băng mắt lại mà không thấy dịu hơn, mắt vẫn khó mở, đau rát, chảy nước mắt giàn giụa, nhạy cảm với ánh sáng, đau chói thì phải đến các cơ sở y tế khám. Vì khi đó, thương tổn có thể không chỉ đơn giản là xước giác mạc mà còn có chấn thương sâu, nặng hơn.
Bs.Nguyễn Thị Thu Thủy